Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là gì?

Ung thư bàng quang thường liên quan đến ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp lót trong bàng quang. Bàng quang là một cơ quan rỗng ở vùng bụng dưới có chức năng dự trữ nước tiểu.

Đây là loại ung thư phổ biến nhất trong ung thư đường tiết niệu. Loại ung thư bàng quang phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC). Mặc dù không phổ biến bằng, TCC cũng có thể xảy ra ở thận, xương chậu, niệu quản hoặc niệu đạo do những cấu trúc này cũng được lót bởi cùng một loại biểu mô niệu với bàng quang.

Những loại ung thư bàng quang khác hiếm xảy ra hơn gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
  • Ung thư Sarcorma


Bài viết này sẽ tập trung vào Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC).

Ung thư bàng quang được phân thành loại không xâm lấn cơ bắp và xâm lấn cơ bắp dựa trên độ sâu xâm lấn từ lớp lót trong cùng đến các lớp bên ngoài của bàng quang. Khoảng 70% các bệnh ung thư biểu mô niệu mới chẩn đoán được xếp vào loại không xâm lấn cơ bắp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư bàng quang là gì?

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Trong nhiều trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân gây ung thư bàng quang. Bệnh này thường xảy ra khi những tế bào bất thường phát triển, nhân lên nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát và xâm lấn các mô khác.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh.
  • Hút thuốc lá
  • Các hóa chất công nghiệp dùng trong thuốc nhuộm, nước sơn, vải vóc, cao su và các sản phẩm da thuộc
  • Kích ứng/nhiễm trùng bàng quang mãn tính
  • Các loại thảo mộc chứa axit aristocholic
  • Các loại thuốc như thuốc Cyclophosphamide, thuốc Phenacetin hay thuốc Pioglitazone
  • Uống ít nước
  • Giới tính nam
  • Do tuổi cao
  • Tiền sử mắc ung thư bàng quang của cá nhân
  • Khuynh hướng di truyền, ví dụ: Hội chứng Lynch, hội chứng Cowden, u nguyên bào võng mạc

Giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư bàng quang

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh bao gồm duy trì lối sống lành mạnh bằng cách không hút thuốc, tăng lượng trái cây và rau củ trong chế độ ăn uống, tăng lượng nước uống hàng ngày và tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang là gì

Ung thư bàng quang có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu vì nó thường gây ra các triệu chứng như:
  • Đi tiểu ra máu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tiểu rát
  • Tiểu gấp
  • Dòng tiểu yếu
  • Mệt mỏi do lượng hồng cầu thấp
Hầu hết các triệu chứng trên không phải của riêng ung thư bàng quang và có thể là nguyên nhân của các bệnh khác không phải ung thư như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu hoặc tuyến tiền liệt mở rộng. Tuy nhiên, bất kỳ ai có các triệu chứng này đều nên tham khảo ý kiến bác sĩ từ sớm.

Làm thế nào để tầm soát ung thư bàng quang?

Không có xét nghiệm sàng lọc ung thư bàng quang nào có chi phí hợp lý cho những người khỏe mạnh có nguy cơ ở mức trung bình.

Chẩn đoán ung thư bàng quang: Làm thế nào để xác định tôi có bị ung thư bàng quang hay không

Nếu nghi ngờ mắc ung thư bàng quang, hãy thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh.

1. Xét nghiệm nước tiểu

Phân tích nước tiểu có thể phát hiện dấu vết máu và loại trừ nhiễm trùng đường tiết niệu. Xét nghiệm tế bào học nước tiểu có thể phát hiện các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư. Tuy nhiên, độ đặc hiệu của xét nghiệm này không cao.

2. Nội soi bàng quang

Bác sĩ tiết niệu sẽ đưa một chiếc ống nhỏ, dài với đèn và máy ảnh gắn ở đầu ống vào bàng quang để soi.

3. Sinh thiết

Các khu vực bất thường của niêm mạc bàng quang có thể được xác định và tiến hành làm sinh thiết. Để phân loại chính xác mức độ ung thư bàng quang cục bộ thì cần cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT). Việc này bao gồm lấy mẫu xét nghiệm ở các khu vực bất thường sâu trong lớp cơ của thành bàng quang. Sau khi lấy mẫu, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sự hiện diện, cấp độ ung thư và độ sâu của xâm lấn.

Chẩn đoán ung thư bàng quang: Làm cách nào để xác định giai đoạn ung thư bàng quang của tôi?

(Stages | Bladder cancer | Cancer Research UK, 2018)7
Giai đoạn ung thư biểu mô bàng quang được xác định theo độ sâu của khối u xâm lấn vào lớp cơ bàng quang và các lớp bên ngoài, lan vào các hạch bạch huyết gần đó và lan sang các vị trí khác xa hơn. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ bắp Các khối u ở giai đoạn Tis, Ta và T1 được phân loại là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ bắp. Ung thư bàng quang xâm lấn cơ bắp Ung thư bàng quang đã xâm nhập vào lớp cơ của thành bàng quang được gọi là ung thư bàng quang xâm lấn cơ bắp (giai đoạn T2, T3, T4). Sau khi chẩn đoán được ung thư bàng quang xâm lấn cơ bắp qua nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện nghiên cứu hình ảnh sẽ để xác định thêm mức độ xâm lấn cục bộ, sự tham gia của các hạch bạch huyết lân cận và mức độ lây lan sang các vùng khác.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là hình ảnh cắt ngang được thực hiện thường xuyên để có được thông tin này. Chụp quét niệu (CT urogram) ghi lại hình ảnh của thận, niệu quản và bàng quang và ảnh CT của ngực sẽ loại trừ nguy cơ lây lan xa đến phổi và các hạch bạch huyết trong ngực.

Đôi khi sẽ cần chụp cộng hưởng từ (MRI) urogram nếu muốn hình dung chi tiết hơn về mức độ phát triển trực tiếp của ung thư vào thành bàng quang và các cấu trúc lân cận. Cũng có thể cân nhắc chụp xương để phát hiện nguy cơ lây lan trong xương. Chụp PET rất dễ phát hiện mức độ lan rộng của ung thư bàng quang nhưng không hiệu quả đối việc đánh giá mức độ ung thư bàng quang cục bộ vì chất đánh dấu sử dụng để chụp sẽ bài tiết qua nước tiểu.

Điều trị ung thư bàng quang tại trung tâm The Cancer Centre Singapore

Các bác sĩ của chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với bạn để đưa ra quyết định điều trị phù hợp nhất tùy theo giai đoạn ung thư bàng quang, các triệu chứng và thể trạng tổng thể của bạn. Bạn có thể tham khảo rất nhiều lựa chọn điều trị có sẵn bên dưới.

Ung thư bàng quang được điều trị như thế nào?

Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau có sẵn tùy theo giai đoạn ung thư bàng quang của bạn.

1. Khối u bàng quang không xâm lấn cơ bắp

Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) sau đó tiêm thuốc Bacillus Calmette-Guerin (BCG) đơn liều vào bàng quang (BCG nội bàng quang). Đây là phương pháp điều trị chính cho ung thư bàng quang bề mặt (không xâm lấn cơ bắp). Đôi khi sẽ cần thực hiện thủ thuật TURBT thứ hai ở phạm vi rộng hơn để đảm bảo đã loại bỏ tất cả các tế bào ung thư.

Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao tùy theo giai đoạn, cấp độ, số lượng và kích thước của tế bào ung thư, nên sử dụng BCG nội bàng quang lâu hơn sau khi phẫu thuật. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ giám sát là yếu tố rất quan trọng vì bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát và phát triển thành ung thư bàng quang xâm lấn cơ bắp.

Những người bị tái phát ung thư bàng quang không xâm lấn cơ bắp có thể cần thực hiện TURBT lặp đi lặp lại kết hợp với BCG nội bàng quang hoặc phẫu thuật (cắt bỏ bàng quang triệt để); tùy thuộc vào giai đoạn, cấp độ và thời gian kể từ liều BCG (nội bàng quang) cuối cùng.

Liệu pháp miễn dịch kháng PD1/PD-L1 hiện đang được nghiên cứu để trở thành giải pháp thay thế cho phẫu thuật cắt bỏ bàng quang triệt trong điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn, không đáp ứng BCG1.

2. TCC xâm lấn cơ bắp

Phẫu thuật là tiêu chuẩn chữa bệnh đối với ung thư bàng quang không xâm lấn cơ bắp không đáp ứng BCG và ung thư bàng quang xâm lấn cơ bắp. Cắt bỏ bàng quang triệt để là thủ thuật loại bỏ toàn bộ bàng quang và các hạch bạch huyết lân cận với tuyến tiền liệt (nam giới) hoặc tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng (phụ nữ).

Sau khi loại bỏ bàng quang, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tái tạo để tích trữ nước tiểu và thải ra ngoài. Thông thường, niệu quản sau khi dẫn lưu khỏi thận sẽ được nối với một đoạn ngắn được cải tạo lại từ ruột, hoạt động như một túi nước tiểu. Một đầu của túi nước tiểu được cải tạo lại nối với da bụng để nước tiểu có thể chảy ra.

3. TCC di căn

Phương pháp điều trị ưu tiên cho ung thư bàng quang di căn vẫn là hóa trị liệu kết hợp có chứa cisplatin đối với những bệnh nhân đủ điều kiện tiếp nhận cisplatin.

Đối với những bệnh nhân không đủ điều kiện tiếp nhận cisplatin, liệu pháp miễn dịch kháng PD1/PDL1 là biện pháp thay thế ở những bệnh nhân có khối u dương tính với biểu hiện PD-L1. Vai trò của liệu pháp miễn dịch kháng PD1/PDL1 cũng đã được chứng minh trong việc duy trì điều trị sau lần hóa trị liệu ban đầu có chứa cisplatin và ở những bệnh nhân đã tiến triển sau hoá trị liệu cisplatin.

Ngoài liệu pháp miễn dịch, những cải tiến bổ sung vô cùng hứa hẹn trong điều trị ung thư bàng quang di căn đã được thực hiện dưới dạng các liệu pháp nhắm mục tiêu. Các phương pháp điều trị này hoạt động bằng cách ngăn chặn các protein/đột biến cụ thể tìm thấy trong các tế bào ung thư hoạt động. Chất ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGFR), Erdafitinib, đã cho thấy tiến triển ở những bệnh nhân hồi phục sau khi hóa trị và có đột biến FGFR2 hoặc FGFR3 được xác định trong khối u. Enfortumab vedotin là một kháng thể nhắm vào phân tử bám dính tế bào nectin-4 thường được tìm thấy trên bề mặt tế bào của ung thư bàng quang6. Trình tự lý tưởng và sự kết hợp của các loại thuốc điều trị ung thư bàng quang di căn đang được khám phá tích cực trong các thử nghiệm lâm sàng.

Kết luận

Tóm lại, TCC là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất và thường liên quan đến hút thuốc lá. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ bắp được giải quyết bằng cách cắt bỏ cục bộ (TURBT). Các ca bệnh có nguy cơ cao sẽ được điều trị từ liệu trình BCG được tiêm vào bàng quang. Đối với ung thư bàng quang xâm lấn cơ, phương pháp điều trị thường là sử dụng hóa trị liệu cisplatin trước khi phẫu thuật loại bỏ triệt để bàng quang.

Với một nhóm bệnh nhân được xem xét lựa chọn cẩn thận, phương pháp bảo toàn bàng quang có thể được thực hiện bằng cách sử dụng kết hợp TURBT, hóa trị và xạ trị. Hóa trị liệu kết hợp dựa trên Cisplatin vẫn là phương pháp điều trị nền tảng cho TCC di căn. Tuy nhiên, những nghiên cứu chế tạo thuốc mới dưới hình thức liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm mục tiêu đã mở rộng đáng kể phương pháp điều trị cho căn bệnh này.

Được thành lập vào năm 2005, Tập đoàn Y tế Singapore (SMG) là một tổ chức chăm sóc sức khỏe với mạng lưới các nhà cung cấp chuyên khoa tư nhân trên bốn trụ cột đã được thiết lập - Thẩm mỹ, Chẩn đoán hình ảnh & Sàng lọc, Ung thư và Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em. Tại Singapore, SMG có hơn 40 phòng khám có vị trí chiến lược ở trung tâm Singapore và các khu trung tâm. Ngoài Singapore, SMG cũng đã có mặt tại Indonesia, Việt Nam và Úc. Tìm hiểu về chính sách bảo mật của chúng tôi tại đây.

Xem các phòng khám khác: